Seersucker – Chất liệu của mùa Hè có tính năng chống nóng như lời đồn?

Bạn đã bao giờ nhìn thấy hình ảnh mấy anh chàng đỏm dáng giữa trưa Hè vẫn mặc áo khoác, vạt áo bay phất phơ giữa cái nóng như điên như dại chưa?

Trước đây, tôi từng thấy vô cùng khó hiểu khi gặp ai mặc nhiều hơn 1 lớp áo vào mùa Hè, nếu là phải-mặc vì lý do đồng phục, yêu cầu bắt buộc thì miễn bàn. Nhưng để ý kỹ hơn một chút thì rõ ràng chất liệu áo khoác blazer/suit của họ có gì đó khang khác…

Đó không phải là thứ vải trơn, nhẵn thường thấy mà lại có độ sần và gồ ghề hơn. Và khi về nhà tìm hiểu thì mới thấy đó là sự lựa chọn vô cùng tinh tế.

Seersucker là gì?

Nhắc đến Seersucker người ta sẽ liên tưởng tới loại vải kẻ sọc với sự tương phản rất rõ ràng: một đường kẻ sọc nhẵn và một đường kẻ sọc nhăn. Seersucker do người Ấn Độ sáng chế với cái biệt hiệu rất gợi mở: “shir o shekar” – từ này trong tiếng Ba Tư có nghĩa là Đường và Sữa, tượng trưng cho cấu trúc tương phản của vải. Một đường nhẵn mịn như sữa và một đường thô ráp như đường.

Sự tương phản rất rõ ràng: một đường kẻ sọc nhẵn và một đường kẻ sọc nhăn.

Trước đây, cấu trúc sọc mịn – sọc nhăn của Seersucker đến từ sự kết hợp sợi lụa (silk) và cotton vì sau khi xử lý, sợi cotton sẽ co rút tạo độ nhăn, còn sợi lụa thì vẫn duy trì được tính chất mềm mịn. Ngày nay thì Seersucker được làm từ 100% cotton, độ nhăn được tạo ra nhờ kỹ thuật dệt trùng vải với sợi dọc được kéo căng hơn, tạo thành những nếp nhăn nhỏ.

Seersucker mang đến cuộc chơi thị giác rất thú vị.

Phiên bản được biết đến rộng rãi nhất của Seersucker là trắng sọc xanh. Ngoài ra còn có những phiên bản khác như sọc vàng, xanh lá, nâu, hồng, v.v…

Tại sao độ nhăn lại quan trọng với Seersucker?

Nãy giờ nhắc quá nhiều đến độ nhăn, bạn có thắc mắc vì sao không? Chính yếu tố này tạo nên sự thiết thực, khiến vải Seersucker trở nên vô cùng đặc biệt. Dù bạn diện sơ mi hay áo khoác, những nếp nhăn trên vải tạo luôn tạo khoảng trống giúp không khí lưu thông tối đa trên khắp cơ thể. Thế nhưng bạn ạ, đó chỉ là lý thuyết 😅. Bạn đang bị đánh lừa về mặt thị giác và cảm giác, thực tế thì Seersucker vẫn là dạng vải dệt kín, bề mặt nhăn phồng đặc trưng kia chẳng giúp ích mấy cho việc thông hơi thoáng khí đâu. Có chăng là vải thành phần cotton sẽ giúp thấm hút mồ hôi tốt hơn, chấm hết!

Điểm “ăn tiền” của Seersucker nằm ở hiệu ứng bề mặt. Kết cấu gồ ghề kết hợp với ánh sáng cũng đem lại nhiều hiệu ứng khác nhau theo quy luật xa-gần. Thường bạn sẽ có cảm giác như vải một màu khi nhìn xa và càng tiến đến gần thì hoạ tiết kẻ sọc mới hiện rõ.

Thực tế thì Seersucker vẫn là dạng vải dệt kín, bề mặt nhăn phồng đặc trưng kia chẳng giúp ích mấy cho việc thông hơi thoáng khí

Vì đã …nhăn sẵn rồi nên đây là chất liệu thích hợp vô cùng cho những chuyến du lịch, công tác. Bạn có thể thoải mái cất trang phục ở trong vali mà không phải lo ngại sẽ mất thời gian sửa sang, là lượt khi lấy ra. Công năng cũng chẳng kém vải linen là mấy đâu 😀

Ứng dụng của Seersucker

Seersucker xuất hiện nhiều nhất trên những chiếc áo khoác blazer, bộ suit và là chất liệu đặc trưng cho phong cách preppy, tiệm cận với phong cách Formal nhưng có phần trẻ trung và sôi nổi hơn.

Chất vải này ngày càng được trọng dụng hơn vì những ưu điểm tương tự với vải linen (nhất là ở khoản không cần phải là ủi), thế nên Seersucker còn được dùng để làm nhiều loại trang phục nữa như bomber jacket, áo sơ mi, quần shorts, v.v… Dường như là không có giới hạn cho chất liệu đặc biệt này.

Không có gì đặc biệt ở đây: Một bộ suit, quần shorts hay áo sơ mi chất liệu Seersucker thì cũng bình thường cả thôi. Đơn giản đây là một loại chất liệu dễ ứng dụng và mặc dù không hề thông thoáng hơn, Seersucker vẫn được xếp vào chất liệu đặc trưng cho mùa nóng.

Sự vừa vặn: Vì vải nhăn và luôn có khoảng trống nhỏ giữa cơ thể và vải, nên trang phục càng cần đề cao sự vừa vặn, tránh tình trạng áo mất form hoặc vai áo bị chảy.

Về cách phối đồ: Dựa vào độ nhăn đặc trưng của Seersucker, hãy tạo nên sự tương phản bằng cách chọn những chất liệu trơn tru, mềm mại để đi kèm. Có người thích kết hợp Seersucker với Linen, không tồi chút nào nhưng cá nhân tôi thấy cả 2 loại vải đều nhăn, kết hợp không khéo lại thành bô nhếch thì phí lắm.

Áo khoác blazer Seersucker kết hợp với áo phông trơn hoặc sơ mi Seersucker đi cùng quần vải (trousers) chẳng hạn. Tôi luôn thích chỉ chọn một thứ làm tâm điểm cho trang phục mà thôi 😉

Có lẽ cũng chẳng cần quan tâm đến sự thật về khả năng chống nóng của vải Seersucker nữa. Suy cho cùng đây vẫn là thứ chất liệu đáng để trải nghiệm cho cả 4 mùa trong năm. Với hiệu ứng bề mặt độc đáo, Seersucker sẽ là nét chấm phá cho phong cách của bạn, khi xung quanh toàn là những thứ trơn tru, nhẵn mịn.



Follow Mạng xã hội của The Undercut:

Bình luận về bài viết này