“Để 5-7 năm nữa nhìn lại ảnh cũ mà không phải tự phì cười, hãy theo phong cách Sartorial”

Xin chào độc giả của The Undercut, chúng ta cùng quay lại với series bài viết nhân vật #theundercutpeople, những người sống quanh tôi 😆. Nếu bạn là thành viên của Sartorial Guys, hội nhóm dành cho những người đam mê phong cách may đo, hẳn sẽ thấy gương mặt này thật thân quen.

Tôi biết Đức từ trước và Đức cũng… chẳng lạ gì tôi, thế nên có lẽ việc chuẩn bị trước nội dung phỏng vấn hơi thừa thãi. Hơn nữa, ngồi nói chuyện thoải mái với nhau biết đâu tôi lại moi móc được vài điều thú vị hơn cả mong đợi? 😃

10h sáng, một ngày cuối tháng 4 thời tiết khá chiều lòng người, tôi có hẹn với Đức tại một quán cafe trên phố Hàng Mành…

The Undercut (TU): Chào Đức! Thế là series #theundercutpeople lại “thu nạp” được thêm một nhân vật hay ho. Còn hay ho đến đâu thì xin mời bạn bắt đầu ngay nào!

Đức (D): Haha hay ho nhất có lẽ là được lọt vào danh sách series những nhân vật hay ho này! Xin chào Hưng và xin chào độc giả của The Undercut. Tên đầy đủ của mình là Hoàng Đình Đức. hiện đang làm việc tại nhà may Carlo Pham, Style Consultant (tư vấn phong cách) là công việc chính của mình. Còn chắc mọi người “quen” mình nhiều hơn trong vai trò thành viên ban quản trị của Sartorial Guys, cộng đồng những người đam mê trang phục phong cách may đo với hơn 40.000 thành viên tính đến thời điểm hiện tại.


Tiếp xúc với nhiều người cũng là lúc mình nhận ra tầm quan trọng của ngoại hình. Ít nhất cũng phải tươm tất trước mặt khách hàng, mình bắt đầu để ý đến ăn mặc, đào sâu tìm hiểu về phong cách.

TU: Không ai có thể xây dựng phong cách trong một sớm một chiều, phải là một chặng đường hay thậm chí là cả một hành trình dài. Với Đức, mọi thứ diễn ra như thế nào?

D: Nếu để nói về xuất phát điểm, mình đã được xài đồ may đo từ bé, vì gia đình bên ngoại cũng có tiệm may. Nhưng chuyện ăn vận, kiểu cách vẫn chưa “ngấm” vào người ngay đâu. Hồi còn đi học, mình không mảy may để ý gì đến ngoại hình, lúc đó chơi game là niềm đam mê duy nhất. Các bạn có thể gọi mình là… nerd cũng chẳng sai. Năm 2011, mình quyết định thôi học Đại học để làm… tài xế lái xe tải, cũng là công việc của gia đình. Trong hơn 1 năm lái xe, hàng ngày di chuyển trên quãng đường ngót nghét 200km giữa các khu công nghiệp, mình nhận thấy điều bản thân thực sự thèm khát chính là được giao tiếp. Mình thích được giao lưu, được trò chuyện, chứ không muốn “chịu trận” một mình với thứ âm thanh buồn chán phát ra từ radio trên xe. Đây cũng chính là lý do để sau đó mình chuyển hướng sang ngành du lịch, để được gặp gỡ nhiều người hơn, được khám phá những địa điểm, vùng đất mới mẻ.

Tiếp xúc với nhiều người cũng là lúc mình nhận ra tầm quan trọng của ngoại hình. Ít nhất cũng phải tươm tất trước mặt khách hàng, mình bắt đầu để ý đến ăn mặc, đào sâu tìm hiểu về phong cách.

Đam mê với trang phục may đo, thích giao tiếp có lẽ cộng vào sẽ ra lời giải: Mình phải được sống và làm việc trong cái thế giới này, thế giới của trang phục may đo.

TU: Từ khao khát được giao tiếp mà quan tâm hơn đến ngoại hình. Nghe đến đây có thể hiểu ngay vì sao công việc tiếp theo của Đức là ở lĩnh vực may đo rồi!

D: Hồi mới có ý thức về hình ảnh bản thân, kiến thức về thời trang của mình gần như là số 0 tròn trĩnh. Mình thu thập, tích luỹ thêm từ những trang tạp chí, tất nhiên trong đó có cả The Undercut rồi (haha). Mình thích những hình ảnh minh hoạ chèn trong bài viết, đặc biệt là những thứ từ Pitti Uomo, mình từng giành cả 1 tuần lễ chỉ để tìm hiểu về street style ở Pitti Uomo. Giai đoạn đầu tiên nghiên cứu về đồ may đo, mình nghĩ mình đã đi đúng hướng khi không để phim ảnh hay trào lưu tác động quá nhiều, mình tìm hiểu luôn phong cách may đo của châu Âu. Nhưng lúc đó, những gì mình muốn dường như còn chưa xuất hiện ở Việt Nam. Năm 2011, mình đi tìm đỏ mắt mà không thấy ở đâu bán giày double monk-strap. Lương tháng lúc đó của mình không nhiều, nhưng gần như tháng nào mình cũng mua một đôi giày mới. Thử nghiệm 8 đôi giày xong cũng phải bỏ đi hết vì chúng không “đúng” với mình.

“Thú chơi nào cũng sẽ tiêu tốn thời gian và cả tiền bạc, nghiên cứu về Sartorial hay bất cứ phong cách nào cũng vậy. Không chỉ Sartorial Guys, mình còn tham gia các hội nhóm khác và cũng nhận về lời chê, không ít đâu nhé!”

Mình tự đặt câu hỏi vì sao mọi người không thích, không đi theo phong cách này? (Hồi đó mình tạm gọi “phong cách may đo” là “Pitti Uomo” 😅). Giữa những gì mình nhìn thấy và những gì đang diễn ra trong xã hội có một sự chênh lệch quá lớn. Và mình có một suy nghĩ hết sức “trẻ con” rằng phải thay đổi hình ảnh mặt bằng chung của xã hội. Đam mê với trang phục may đo, thích giao tiếp có lẽ cộng vào sẽ ra được lời giải: Mình phải được sống và làm việc trong cái thế giới này, thế giới của trang phục may đo.

TU: Được làm những gì mình thích là mơ ước của biết bao người. Nhưng chắc chắn mọi thứ không thể diễn ra một cách êm đẹp ngay từ đầu, khó khăn của Đức là gì?

D: Suy nghĩ ngây thơ muốn “làm đẹp cho đời” là sự thôi thúc đầu tiên cho công việc hiện tại. Có thể nó hơi ngô nghê nhưng chắc là phải cảm ơn Đức của ngày xưa đã từng lãng mạn, bay bổng như thế. Không có suy nghĩ ấy chắc mình không thể gắn bó với nghề, gắn bó với nhà may hiện tại đến nay đã là năm thứ 5. Ngay từ những ngày đầu chập chững, mình đã nhận ra rằng kiến thức của mình quá nhỏ bé. Cũng không có trường lớp nào đào tạo chuyên môn về lĩnh vực này nên mình phải chấp nhận nhiều lần sai để tự tích lũy kinh nghiệm. Mình vẫn giữ lại bộ suit đầu tiên trong đời, bộ suit double-breasted theo phong cách Kingsman như một kỷ niệm đáng quý. Và cũng không chỉ còn là quần áo mặc trên người nữa, mình phải đào sâu hơn vào lối sống nữa, để biết được là doanh nhân, nghệ sĩ hay những người trong nghề may đo với nhau, họ mặc như thế nào. Đó là những thứ giúp mình rất nhiều trong việc tư vấn, lựa chọn phong cách cho khách hàng.

Thú chơi nào cũng sẽ tiêu tốn thời gian và cả tiền bạc, nghiên cứu về Sartorial hay bất cứ phong cách nào cũng vậy. Không chỉ Sartorial Guys, mình còn tham gia các hội nhóm khác và cũng nhận về lời chê, không ít đâu nhé! Nói là “nhận” chứ không phải “bị” vì đằng sau đó còn là sự góp ý rất khách quan. Ở đây bạn mặc đẹp, nhưng sang đến một “môi trường” khác, chưa chắc đâu. Một khi đã vào cuộc chơi, bạn cần gạt bỏ cái tôi sang một bên. Mình vẫn tự nhắc bản thân rằng những kiến thức mình có được của ngày hôm nay phần lớn đến từ khách hàng. Ngành nghề may đo ở Việt Nam thực sự vẫn còn quá non trẻ, trong khi những kiểu cách, kỹ thuật may đo trên thế giới đã làm cả trăm năm. May mắn thay, khách hàng lại có cơ hội được đi đây đi đó, mang về những sản phẩm có thể xem là hình mẫu cho mình học hỏi.

Ở đây bạn mặc đẹp, nhưng sang đến một “môi trường” khác, chưa chắc đâu. Một khi đã vào cuộc chơi, bạn cần gạt bỏ cái tôi sang một bên.

TU: Style Consultant – Người tư vấn phong cách, Đức có thể chia sẻ thêm về công việc của mình được không?

D: Vị trí Style Consultant đang là xu thế chung ở các nhà may trên thế giới. Đây là người đứng ở giữa khách hàng và thợ may, có kiến thức về thời trang, phong cách và cả hiểu biết kỹ thuật. Một trong những nhiệm vụ của mình là trung hoà ý kiến khách hàng và phong cách nhà may. Cũng không ít lần mình phải từ chối những yêu cầu đối lập với thẩm mỹ của phong cách may đo cổ điển như áo khoác suit vạt ngắn hay ve áo quá nhỏ. Với những yêu cầu như thế, mình sẽ giới thiệu khách qua địa chỉ khác.

TU: Nãy giờ toàn là chuyện về công việc, khách hàng. Hãy nói về phong cách của chính Đức đi?

Sau khoảng 4 năm chắt lọc, mình nghĩ mình đã tìm ra một số thứ phù hợp cho bản thân nhưng cũng chẳng dám nói trước. Tất nhiên, mình đam mê phong cách may đo Sartorial nhưng bản tính tò mò, thích tìm tòi lại mở ra thêm yếu tố “đa dạng” nữa. Mình chẳng ngại việc hôm nay đóng một bộ suit chuẩn chỉnh, ngày mai lại mặc t-shirt và quần jeans rách ra đường.

Nếu mỗi người chỉ tập trung hướng đến cái tôi và thói quen, đôi khi họ sẽ bỏ lỡ những thứ thậm chí còn phù hợp hơn. Tại sao phải tự tạo ra rào cản như vậy? Đây cũng chính là ý tưởng để group Sartorial Guys ra đời.

TU: Sartorial Guys là một cộng đồng có chiều sâu với sự góp mặt của cả những người chơi và người làm nghề, đúng kiểu thì phải nói là “group này nghệ, uy tín”.

D: Sau hơn 1 năm hoạt động, có thể phổng mũi một chút khi nói rằng mình thấy mọi người ăn mặc đẹp hơn, mà toàn là các thành viên của Sartorial Guys. Đi đường thấy nhiều anh em thắt caravat chuẩn hơn, đi tất “ngon” hơn, tóm lại là giấc mơ làm đẹp cho đời của Đức “ngây thơ” ngày trước có vẻ đang thành hình thật rồi.

Dù phong cách cá nhân rất đa dạng, nhưng mình vẫn thường lấy Sartorial làm gốc để phối đồ, có thể là t-shirt thay vì phối cùng quần jeans, mình sẽ chọn một chiếc quần tây xếp ly, gấu lơ-vê cực kỳ cổ điển. Với thời trang, tất cả mọi thứ đều đáng được tôn trọng.

TU: Vậy với Đức, thế nào là ăn mặc đẹp?

Mình nghĩ càng ngày sự phân hóa phong cách sẽ càng rõ ràng hơn, giữa phong cách “chơi”, thanh lịch, “sành điệu”, sang trọng, v.v… Muốn phá cách cũng được thôi, nhưng bạn phải có kiến thức.

Với mình, mặc đẹp có nghĩa là “vừa vặn”. Không chỉ là bộ quần áo vừa vặn, mà còn là vừa vặn với phong cách sống, tính cách, thậm chí là sức khoẻ của người mặc. Nói riêng về phong cách Sartorial, tất cả những item xoay quanh nó đều mang giá trị cốt lõi là “timeless”, không lỗi mốt. Đối với những ai theo đuổi phong cách này, về sau nhìn lại vẫn cảm thấy đẹp, vẫn rất vừa mắt. Dù phong cách cá nhân rất đa dạng, nhưng mình vẫn thường lấy Sartorial làm gốc để phối đồ. Có thể là t-shirt thay vì phối cùng quần jeans, mình sẽ chọn một chiếc quần tây xếp ly, gấu lơ-vê cực kỳ cổ điển. Với thời trang, tất cả mọi thứ đều đáng được tôn trọng. Chính mình đây, mình rất yêu thích phong cách high-fashion của nhà mốt Saint Laurent với skinny jeans và boots và 4-5 tháng gần đây thường xuyên thử nghiệm cách phối đồ này. Nhưng công bằng mà nói, nếu đi theo hướng Sartorial, bạn sẽ nhận được hiệu ứng lâu dài hơn so với những phong cách khác. Để 5-7 năm nữa nhìn lại ảnh cũ và không phải tự phì cười, hãy theo phong cách Sartorial 😁

Với mình, mặc đẹp có nghĩa là “vừa vặn”. Không chỉ là bộ quần áo vừa vặn, mà còn là vừa vặn với phong cách sống, tính cách, thậm chí là sức khoẻ của người mặc.

TU: Với sự phát triển đầy uy tín của Sartorial Guys, hy vọng một ngày nào đó sẽ được thấy “Pitti Uomo của Việt Nam” ra đời

D: Đây cũng chính là mục tiêu mà mình và các anh em trong đội ngũ quản trị của Sartorial Guys hướng đến. Mình muốn tạo nên một sân chơi có chiều sâu, bình đẳng và bền vững. Có quá nhiều thứ phải làm, nhưng còn đam mê là còn động lực để bước tiếp.

TU: Cảm ơn Đức đã dành thời gian cho The Undercut. Chúc bạn sức khoẻ và sớm chinh phục được mọi mục tiêu!

D: Cảm ơn Hưng! Hẹn sớm gặp lại The Undercut và các độc giả!

Đừng quên hashtag #theundercutpeople trên instagram để chia sẻ phong cách mỗi ngày của bạn nhé!



Follow Mạng xã hội của The Undercut:

Bình luận về bài viết này